Trong suốt thời gian qua, không chỉ các doanh nghiệp sản xuất mà cả người tiêu dùng cá nhân đã liên tục bị thông báo là hết “room tín dụng” khi đi vay vốn dù là ở những ngân hàng lớn nhất. Vậy “room tín dụng” là gì và nó có cần thiết không?
“Room tín dụng” chính là giới hạn cho vay của mỗi ngân hàng và được triển khai lần đầu vào năm 2011 khi nền kinh tế Việt Nam trải qua một giai đoạn lạm phát cao kéo dài trong nhiều năm. Thông thường, hạn mức tín dụng sẽ được Ngân hàng nhà nước phân phối vào thời điểm đầu năm và xem xét lại vào thời điểm giữa năm khiến cho các ngân hàng thường lập ra nhiều kế hoạch cho vay vượt mức ban đầu cho phép. Tuy nhiên kể từ đầu năm 2022, tín dụng đã đạt được sự bùng nổ khi tăng đến 9,35% chỉ trong nửa năm, đạt mức cao nhất trong suốt 10 năm qua, khi mà hạn mức cho cả năm chỉ là 14%. Nguyên nhân đằng sau là sự bùng nổ của sản xuất khiến giá nguyên vật liệu tăng cao khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau dịch bệnh cộng với tình trạng các kênh vốn khác như thị trường chứng khoán hay trái phiếu chững lại trong năm nay. Và khác với việc nới “room” như các năm trước, trong năm 2022, chứng kiến tình trạng lạm phát tăng mạnh cùng với lượng vốn khổng lồ chảy vào ngành bất động sản lên đến 2,36 triệu tỷ đồng, ngân hàng nhà nước đã có các quyết định cứng rắn là giữ nguyên mức “room tín dụng” được đặt ra từ đầu năm để ưu tiên các mục tiêu kinh tế vĩ mô hơn khiến cho vấn đề trở nên “nóng”.
Trong bối cảnh với nhu cầu tín dụng tăng cao do sản xuất mà “room” cạn kiệt, một câu hỏi được đặt ra là “room tín dụng” có còn cần thiết nữa không? Trên toàn thế giới thì Việt Nam là một trong số các quốc gia hiếm hoi còn tiếp tục sử dụng công cụ này để kiểm soát nguồn cung tín dụng và được coi là một phương pháp “thiếu tính thị trường” khi không thể luôn đảm bảo đủ nguồn cung vốn gây trở ngại cho việc phát triển. Tuy nhiên xét theo khía cạnh lịch sử, trước khi áp dụng chế độ này, các ngân hàng có những thời điểm tăng trưởng tín dụng đạt mức 53,8%/năm vượt xa khả năng thanh toán hay quản lý vốn, và kể từ thời điểm áp dụng chính sách “room tín lượng” thì chất lượng vay vốn hay tình trạng “nợ xấu” đã được cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, một vấn đề khác nữa là nhu cầu vay tín dụng tăng cao mà tăng trưởng nguồn vốn chỉ đạt tỷ lệ thấp sẽ khiến cho việc hủy bỏ “room tín dụng” gây ra tình trạng chạy đua “lãi suất” giữa các ngân hàng làm hủy đi nỗ lực của Ngân hàng nhà nước trong suốt quãng thời gian qua khi giữ cho lãi suất vay trung bình chỉ tăng khoảng 0,09% nếu như so sánh với mức tăng đạt đỉnh của nhiều quốc gia khác trong khu vực. Vậy nên dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đã quyết định sẽ bám sát kinh nghiệm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, với mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong giai đoạn sắp tới cho đến thời điểm cuối năm, thì theo như một số chuyên gia, phương án giải quyết khả dĩ nhất là các ngân hàng cố gắng phân loại ra các doanh nghiệp tốt và phù hợp cho việc vay vốn trong bối cảnh càng nhiều ngân hàng đối mặt tình trạng cạn sạch “room tín dụng” .
Nguồn Tham Khảo: